Bối cảnh Trận_Smolensk_(1941)

Khu vực Smolensk và vùng phụ cận (thường được gọi là vùng đất cao Smolensk) có một vị trí quan trọng về địa quân sự. Là trung tâm của vùng đất cao Trung Nga, tỉnh Smolensk là nơi bắt nguồn của nhiều con sông lớn ở nước Nga. Địa hình khu vực phía Nam Smolensk bị chia cắt bởi các con sông nhỏ và không sâu nên không quá khó khăn để vượt qua. Nằm cách Moskva 378 km về phía Tây Tây Nam trên thượng nguồn sông Dnepr, Smolensk là đầu mối giao thông quan trọng nối Moskva với các vùng Pribaltic, Belorussia và xa hơn nữa, đến Ba Lan và Trung Âu. Trong lịch sử, địa bàn tỉnh Smolensk đã từng nơi tranh chấp của các thế lực lãnh chúa và là nơi diễn ra nhiều trận đánh quan trọng. Với chiều dài 255 km từ Bắc xuống Nam và chiều rộng 285 km từ Đông sang Tây, Smolensk là cửa ngõ phía Tây của Moskva, án ngữ một trong các con đường giao thông lớn và quan trọng nhất của Liên Xô từ Brest qua Minsk, Orsha đến Moskva. Đối với quân đội Liên Xô, giữ được Smolensk cũng có nghĩa là thực hiện được chiến lược phòng thủ từ xa với Moskva. Đối với quân đội Đức Quốc xã, chiếm được Smolensk cũng có nghĩa là mở được "khóa cổng" để tiếp cận Moskva.

Sau thất bại của các lực lượng chính thuộc Phương diện quân miền Tây của Liên Xô trong trận Białystok-Minsk, các lực lượng cơ động của Tập đoàn quân Trung tâm đã tiến đến sông Dvina Tây gần Vitebsk (Tập đoàn quân xe tăng 3) và Orsha, Mogilev (Tập đoàn quân xe tăng 2). Về phía Liên Xô, bộ phận bị bao vây của Phương diện quân miền Tây (Liên Xô) gồm các tập đoàn quân 4 và 13 đã bị suy yếu khi rút khỏi khu vực biên giới đã được đưa về phía sau để tổ chức lại và tái trang bị. Ngày 2 tháng 7, các lực lượng này được điều động phối thuộc trở lại Phương diện quân Tây trên tuyến phòng thủ chiến lược thứ hai. Từ ngày 2 tháng 7, Nguyên soái S. K. Timoshenko được chỉ định làm Tư lệnh Phương diện quân Tây thay đại tướng D. G. Pavlov đã bị bắt. Trung tướng A. I. Yeryomenko được cử làm phó tư lệnh.[7]

Cho đến ngày 3 tháng 7 năm 1941, trong khi Stalin đọc "Lời kêu gọi toàn dân tiến hành Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại quân phát xít xâm lược" trên Đài phát thanh Moskva thì các quân đoàn xe tăng Đức đã vượt xa bộ binh và tiếp tục cuộc tấn công của họ về phía đông. Quân đội Liên Xô vẫn chưa thể triển khai đầy đủ một tuyến phòng thủ liên tục và có chiều sâu. Một số binh đoàn đã được điều đến tăng cường cho các khu vực Polotsk và Sebezh, đồng thời tăng cường cho tập đoàn quân 22 bảo vệ các đầu cầu tại sông Desna. Theo kế hoạch, Tập đoàn quân 20 tổ chức phản công tại Lepel. Tập đoàn quân 21 tấn công vượt sông Desna tại Bykhov và Rogachev. Trong quá trình phản công ở Lepel, các quân đoàn 5 và 7 của quân đội Liên Xô đã bị tổn thất nghiêm trọng, đặc biệt là về xe tăng.[8] Kết quả là trước trận Smolensk, tại các bàn đạp Idritsa và vùng phía nam của Zhlobin, các tập đoàn quân 37 và 48 bị quân Đức áp đảo về ưu thế binh lực mặc dù có tập đoàn quân 24 bố trí ngay phía sau. Các đơn vị tuyến đầu của mặt trận đã không được chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện kỹ thuật và không có sự ổn định cần thiết để ngăn chặn cuộc tấn công của quân Đức.

Các lực lượng thiết giáp Đức đã tạm dừng chân tại mặt trận trong suốt một tuần và trong khi họ đang sắp sửa tung ra một đợt tấn công mới thì một trận mưa lớn bất chợt đổ ập xuống khu vực trận địa trong đầu tháng Bảy. Điều này khiến cho đường sá trở nên lầy lội và gây nhiều trở ngại lớn trong việc hành tiến: các đơn vị quân Đức ở tiền tuyến đã mất đến hàng tiếng đồng hồ nhưng vẫn không sao bò lết nổi trên những con đường lầy lội ấy. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tuyến mặt trận của quân đội Liên Xô tạm thời được ổn định. Nhiều cầu cống bị phá hủy, và - lần đầu tiên - quân đội Liên Xô đã chôn mìn dày đặc trên trận địa để chặn bước tiến quân Đức. Các bãi mìn và vật cản chống tăng được bố trí dày đặc nhất tại tuyến đường từ Farinovo đi Polotsk, khu tam giác phòng thủ Dzisna-Dyornovichi-Borovukha (Navapolatsk), cụm phòng thủ Obol (Obal) trên bờ đông sống Dvina Tây, tuyến đường từ Borisov qua Tolochin đi Orsha, tuyến đường từ Mogilev, Rogachev đi Smolensk, từ Orsha qua Gusino đi Smolensk và cuối cùng là phía tây khu phòng thủ Smolensk. Các chướng ngại này đã làm cho quân Đức bị thu hẹp chính diện hành quân và mất thêm thời gian chờ công binh gỡ mìn và dọn vật cản. Những chậm trễ trong hành tiến của quân Đức đã tạo cơ hội cho quân đội Liên Xô chuẩn bị cho một trận phản công quy mô lớn.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Smolensk_(1941) http://www.aeiou.at/aeiou.encyclop.r/r496539.htm http://ww2doc.50megs.com/Issue41/Issue41.html http://www.boardgamegeek.com/game/3041 http://www.onwar.com/articles/9903.htm http://www.fronta.cz/bitva-u-jelni-v-lete-1941 http://www.fronta.cz/smolensk-a-kyjev-1941 http://lexikon-der-wehrmacht.de/Personenregister/L... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Personenregist... http://www.idiot.vitebsk.net/i40/mart41.htm http://militera.lib.ru/db/bock_f/index.html